6 ưu điểm nổi bật khi phát triển điện mặt trời áp mái
So với mô hình điện mặt trời tập trung, điện mặt trời áp mái có nhiều ưu điểm nổi bật và đang được khuyến khích đẩy mạnh phát triển trên cả nước.
Với vị trí địa lý quanh năm có nắng thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng mặt trời, trong xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu, điện mặt trời đang dần phổ biến tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Trong đó, điện mặt trời áp mái đang được Nhà nước khuyến khích ưu tiên phát triển. So với mô hình điện mặt trời tập trung, điện năng lượng mặt trời áp mái có nhiều ưu điểm nổi bật như:
1. Không tốn diện tích đất
Một hạn chế của các nhà máy điện năng lượng mặt trời là tốn diện tích đất lớn, phải tìm những vùng đất bỏ hoang hoặc đất nông nghiệp năng suất thấp. Trong khi đó, điện mặt trời áp mái lại tận dụng sẵn mái nhà hiện hữu của các công trình (mái nhà hộ gia đình, mái nhà văn phòng, tòa cao ốc, mái nhà xưởng sản xuất…). Thông thường, các mái nhà này đều nhàn rỗi, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời lại không ảnh hưởng đến kết cấu công trình nên rất thuận lợi để phát triển.
Điện mặt trời áp mái tận dụng mái nhà hiện hữu, không tốn đất
2. Chống nóng cho công trình hiện hữu
Giàn pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà sẽ góp phần giảm nóng cho công trình bên dưới. Nhờ đó, sẽ tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống làm mát của ngôi nhà, văn phòng hay khu sản xuất. Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà còn giúp chống dột, giảm hiện tượng thấm trần, tăng độ bền cho mái, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, nhiều mưa dông như tại Việt Nam.
3. Không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải
Thường có quy mô nhỏ (từ vài kWp đến vài MWp), lắp đặt phân tán nên các hệ thống điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải như khi phát triển các dự án điện mặt trời tập trung quy mô lớn. Đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải rất tốn kém lại không hề đơn giản. Thực tế, đây vẫn đang là một bài toán gây “đau đầu” cho các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư dự án trang trại điện mặt trời tại các điểm “nóng” phát triển năng lượng tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận. Với những khu vực vùng sâu vùng cao, hải đảo… điện mặt trời mái nhà còn mang lại hiệu quả cao về mặt chính trị, xã hội.
Hệ thống điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không đòi hỏi đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải
4. Giảm quá tải lưới điện truyền tải
Điện mặt trời áp mái được lắp đặt chủ yếu ở các khu dân cư, khu công nghiệp, cung cấp nguồn điện tiêu thụ tại chỗ nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa khu vực đông dân. Đặc biệt, vào thời gian cao điểm sử dụng điện, hoặc mùa nắng nóng, các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà sẽ cung cấp một phần hoặc toàn bộ nhu cầu phụ tải của hộ tiêu thụ, và có thể phát lên lưới điện giúp giảm quá tải các trạm biến áp, giảm nguy cơ sự cố điện. Ngoài ra, khi mô hình điện mặt trời mái nhà phân tán được phát triển, sẽ giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, từ đó giảm nguy cơ thiếu hụt lượng điện công suất lớn, gây sụt điện áp, tần số lưới điện và có thể rã lưới trong trường hợp trung tâm nguồn điện lớn phát sinh sự cố.
5. Giảm nguy cơ thiếu điện tại chỗ
Điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu bổ sung nguồn điện tại chỗ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những vùng đang tập trung phát triển công nghiệp (nhất là những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ lượng điện năng lớn như sắt, thép…) trong khi nguồn cung điện của khu vực chưa phát triển kịp. Điện năng lượng mặt trời mái nhà thường có quy mô nhỏ, thời gian thi công lắp đặt nhanh nên nếu được phát triển rộng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ thiếu nguồn điện tại chỗ.
6. Dễ xã hội hóa nguồn điện
Đầu tư điện mặt trời áp mái không đòi hỏi vốn lớn như đầu tư dự án điện mặt trời, rất thích hợp để các cá nhân hộ gia đình, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tham gia phát triển. Việc xã hội hóa nguồn điện do đó sẽ dễ dàng hơn. Theo thống kê của EVN, đến nay trên cả nước đã có 27.996 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trong đó có 22.900 khách hàng là hộ gia đình và 5.096 khách hàng là doanh nghiệp, cho tổng công suất 578MW. Nhờ đó, điện mặt trời áp mái đã chiếm đến 11% điện mặt trời trên lưới.
Xem thêm:
- Phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp mục tiêu 1.000MWp
- Điện mặt trời Cần Thơ được kỳ vọng trong vai trò tiên phong
- Nhà nước có chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái
- Điện mặt trời mái nhà phát triển rầm rộ tại Đồng Nai
Vu Phong Solar