Cơ chế nào phù hợp cho phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam?
Cơ chế nào phù hợp cho phát triển điện mặt trời mái nhà đang trở thành một chủ đề nóng hổi trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tái tạo và phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Vừa qua, vào ngày 10/05/2024, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group và Giám đốc VP Carbon, đã tham gia buổi tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, cùng với các chuyên gia trong ngành.
Thực trạng phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả bao gồm ông Phạm Đăng An, bà Nguyễn Phương Mai – chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức – chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và nhà báo Hương Loan từ Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã cùng thảo luận và phân tích về thực trạng phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam. Họ đã nêu rõ những cơ hội tiềm năng và thách thức trong việc phát triển lĩnh vực này.
Các diễn giả đang trao đổi về thực trạng điện mặt trời tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ông Phạm Đăng An, với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, đã chia sẻ rằng thời điểm khi Nghị định 13 còn hiệu lực, mọi người đều muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà để bán lại cho EVN, tạo nên một giai đoạn phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, sau đó, thị trường đã có sự chững lại. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải phát triển năng lượng xanh. Ông An nhấn mạnh rằng nhu cầu thị trường để phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn rất lớn, đặc biệt là cho các mái nhà xưởng và khu công nghiệp. “Phát triển sản xuất xanh không thể thiếu năng lượng xanh,” ông An khẳng định.
Nhu cầu thị trường và tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà
Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia khác như Indonesia, Bangladesh, Campuchia, nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là trên các mái nhà máy để tự sản xuất và tiêu thụ, cũng đang rất lớn. Theo ông An, đây không chỉ là câu chuyện giảm chi phí năng lượng mà còn là cách để các doanh nghiệp xanh hóa nhãn hàng của mình. Hiện nay, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn như Google, Microsoft, LEGO đã thể hiện cam kết mạnh mẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Lợi ích của việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp
Việc hiểu rõ và áp dụng đúng cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp và tổ chức cần nắm vững các khái niệm này để tham gia hiệu quả vào thị trường năng lượng tái tạo, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Đăng An ( Giám đốc VP Carbon, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group) chia sẻ tại tọa đàm
Trong bối cảnh các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, thủy điện gặp khó khăn thì việc khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió; điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.
Giải pháp năng lượng tái tạo: điện mặt trời mái nhà – “Mũi tên trúng nhiều đích”
“Hệ thống điện mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch và góp phần trong thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26”. Ông Đăng An cho biết thêm.
Điển hình, hệ thống điện mặt trời tại nhà máy của Công ty CP Tập Đoàn Kim Đức (Long An) tại tỉnh Long An – nhà cung cấp bao bì hàng đầu cho các chuỗi bán lẻ toàn cầu, đồng thời cũng là thành viên tích cực thực hiện tiêu chuẩn toàn cầu và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc (BRC). Dự án được phát triển theo phương án PPA (Power Purchase Agreement) – mô hình hợp tác ba bên.
Dự án Kim Đức với công suất 2,22MWp
Với công suất 2,22 MWp, chỉ tính riêng trong năm 2022, hệ thống đã tạo ra sản lượng khoảng gần 2.600 MWh điện, đóng góp khoảng 12-13% nhu cầu lượng điện tiêu thụ của nhà máy Kim Đức. Khối lượng điện tự sản tự tiêu này được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, đã giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương với gần 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm.