Công suất thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon dự kiến lên tới 905 triệu tấn mỗi năm
Công suất thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (Carbon Capture, Utilisation, and Storage – CCUS) toàn cầu theo kế hoạch đã lên tới 905 triệu tấn mỗi năm (Mtpa), với hơn 50 dự án mới được công bố trong quý II/2022 – số liệu từ tổ chức tư vấn và phân tích Wood Mackenzie.
- Định giá carbon: Những con số đáng chú ý
- Thị trường carbon tăng trưởng trong xu thế hướng tới Net Zero
- Thị trường tín chỉ carbon: Những điều có thể bạn chưa biết
Động lực mạnh mẽ cho những tiến bộ chưa từng có
Theo báo cáo Cập nhật thị trường CCUS Quý II năm 2022 của Wood Mackenzie, công suất CCUS toàn cầu theo kế hoạch đã lên tới 905 triệu tấn mỗi năm (Mtpa). Trong Quý, đã có hơn 50 dự án mới được công bố.
Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục là những “điểm nóng” về hoạt động CCUS. Khu vực Bắc Mỹ hiện đang chiếm hơn 2/3 công suất CCUS toàn cầu với hoạt động chủ yếu tập trung ở Alberta, Bờ Vịnh và Trung Tây Hoa Kỳ. Dẫn đầu thế giới về CCUS là Hoa Kỳ, với công suất hiện đạt gần 250 Mtpa. Trong quý II, đã có nhiều bước tiến trong việc cấp phép lưu trữ carbon địa chất với sự gia tăng hoạt động cấp phép ở Na Uy, Nga, Úc… Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đã mở vòng cấp phép lưu trữ carbon đầu tiên, mời thầu 13 lô ngoài khơi từ Bắc Scotland đến Lincolnshire. Việc trao thầu cấp phép lưu trữ carbon sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu lưu trữ carbon của Anh, nhằm lưu trữ 20-30 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Theo Wood Mackenzie, dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ của Bắc Mỹ trong bản đồ CCUS toàn cầu sẽ giảm xuống còn khoảng 50%, khi các dự án trung tâm trên khắp châu Âu mở rộng quy mô. Mặt khác, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ có nhu cầu lớn nhất đối với CCUS trong những năm 2040, nhưng điều này đòi hỏi có nhiều hơn các quy định, chính sách.
Sự phát triển của CCUS thời gian qua được nhận định là những tiến bộ chưa từng có, đặc biệt là từ năm 2021 với hơn 100 cơ sở mới được công bố. Theo nhiều chuyên gia, việc tăng cường các mục tiêu khí hậu và các ưu đãi đầu tư đang mang lại động lực mạnh mẽ cho CCUS. Như tại Hoa Kỳ, Luật 45Q với các khoản tín dụng thuế ưu đãi là đòn bẩy cho nhiều dự án CCUS. Luật này khuyến khích triển khai CCS (thu giữ và lưu trữ carbon) và CCU (thu giữ và sử dụng carbon) bằng cách cung cấp khoản tín dụng lên đến 50 USD/tấn CO2 cho lưu trữ địa chất chuyên dụng và 35 USD/tấn CO2 cho EOR (thu hồi dầu tăng cường). Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mới ban hành được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp công suất CCUS của Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh. Các khoản tín dụng thuế 45Q được tăng lên mức 85 USD/tấn CO2 cho lưu trữ địa chất chuyên dụng; đồng thời mở rộng để áp dụng cho các dự án khởi công trước năm 2033; đưa ra mức tín dụng thuế khoảng 180 USD/tấn CO2 với các cơ sở DAC (thu khí trực tiếp). Luật này cũng giảm quy mô về ngưỡng phát thải carbon cho các dự án nhằm khuyến khích các dự án quy mô nhỏ hơn, thu hút nhiều ngành hơn và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ.
Công suất, số dự án CCUS của 10 quốc gia hàng đầu (Ảnh: Wood Mackenzie)
Giải pháp quan trọng trong lộ trình hướng tới Net Zero
CCUS được các chuyên gia quốc tế thống nhất là một giải pháp trung và dài hạn quan trọng cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon. Nó thu giữ lượng khí thải CO2 từ các nguồn như các nhà máy năng lượng, quá trình đốt cháy nhiên liệu, từ ngành công nghiệp nặng để lưu trữ sâu dưới lòng đất hoặc tái sử dụng nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị. Chính vì vậy, việc triển khai công nghệ CCUS với quy mô lớn sẽ cho phép “khử carbon” hiệu quả từ các ngành này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), CCUS có thể đóng góp đến 15% vào việc giảm lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và là động lực hiệu quả thứ ba cho mục tiêu Net Zero, sau hiệu suất năng lượng (40%) và sự phát triển của năng lượng tái tạo (35%). Các kịch bản chính được đề cập trong Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1,5°C do Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) soạn thảo cũng nhắc tới CCS như một giải pháp để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Vai trò của CCS cũng được khẳng định trong Báo cáo AR5 Report của IPCC.
Ngày càng nhiều quốc gia đang lên kế hoạch cho sự phát triển của CCUS như một phần trong lộ trình đưa mức phát thải ròng về 0 theo cam kết tại COP26. Báo cáo của Wood Mackenzie cho rằng, công suất CCUS đã gần phù hợp với lộ trình cho mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C cho đến năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mức cần thiết cho mục tiêu Net Zero, công suất CCUS sẽ cần phải tăng gấp 7 lần vào năm 2050.
Nguồn: Vuphong.vn