Đầu tư năng lượng tái tạo: Các nước đang phát triển chiếm tỷ trọng lớn
Trước năm 2014, đầu tư năng lượng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển nhưng giai đoạn từ năm 2015 đến nay, cán cân tỷ trọng đã nghiêng về các nước đang phát triển.
- Giá lắp điện mặt trời cho doanh nghiệp, hộ gia đình năm 2022
- Kinh tế tuần hoàn là gì? Mô hình kinh tế tuần hoàn ở việt nam
Đầu tư năng lượng tái tạo gia tăng ở các nước đang phát triển
Năm 2015, “bức tranh” năng lượng tái tạo (NLTT) toàn cầu có sự thay đổi về bố cục khi đầu tư vào NLTT ở các nước đang phát triển đã vươn lên chiếm ưu thế với 170 tỷ USD – tương đương 53,6% tổng mức đầu tư. Các chuyên gia lý giải điều này là do sự phát triển NLTT ở Trung Quốc, cuộc cách mạng năng lượng mặt trời tại Ấn Độ và cam kết của 48 quốc gia đang phát triển cho mục tiêu 100% NLTT (cam kết tại Hội nghị COP22 về biến đổi khí hậu).
Theo thống kê, giai đoạn năm 2010-2019, Trung Quốc là “ông trùm” lớn nhất về năng lượng tái tạo với khoảng 31% tổng số vốn đầu tư toàn cầu. Dù trong năm 2018, do chính sách hạn chế hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời khiến số vốn đầu tư của Trung Quốc cho ngành NLTT bị giảm đến hơn 1/3 so với năm 2017, số vốn đầu tư của nước này vẫn còn chiếm tỷ trọng 32% (với 91,2 tỷ USD).
Các nước đang phát triển khác cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực NLTT nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Trong top 10 điểm đến đầu tư NLTT, có tới 6 nước đang phát triển là: Mexico, Ấn Độ, Chile, Brazil, Việt Nam và Philippines. Việt Nam là một trong những nước có bước nhảy vọt ấn tượng nhất khi có số vốn đầu tư năm 2018 lên tới 5,2 tỷ USD, gấp 9 lần so với năm 2010.
Tại Việt Nam, năm 2019, đầu tư NLTT vươn lên đứng vị trí thứ ba chỉ sau công nghệ tài chính và giáo dục
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và R&D
Xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo hiện nay là tập trung vào cơ sở hạ tầng và R&D (nghiên cứu phát triển), ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Trong đó, các nước châu Âu đang đi đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2019, các nước thành viên EU đã thông qua đề xuất đầu tư 873 triệu euro cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Trong 17 dự án được EU lựa chọn tài trợ, có 8 dự án thuộc lĩnh vực điện với tổng mức đầu tư lên tới 680 triệu euro. Còn tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc là nước có số lượng vườn ươm doanh nghiệp rất lớn, trong đó gần 1/3 là NLTT với các dự án lớn. Các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, UAE… cũng tập trung phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió quy mô “khủng”.
Ngày càng nhiều dự án NLTT quy mô lớn được xây dựng và vận hành
Không chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chi tiêu dành cho R&D cũng chiếm tỷ trọng lớn và được các quốc gia, doanh nghiệp khuyến khích nhằm giảm chi phí năng lượng tái tạo, tăng tính cạnh tranh về giá so với các nguồn năng lượng truyền thống, cải thiện hiệu suất NLTT…
Giai đoạn năm 2010-2019, tổng số vốn đầu tư vào R&D của ngành đã tăng lên gấp đôi so với thập kỷ trước. Trong đó, số vốn từ doanh nghiệp tư nhân là 51 tỷ USD còn của chính phủ là 50 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có sự dịch chuyển từ nguồn chính phủ sang nguồn doanh nghiệp trong xu hướng đầu tư R&D giai đoạn này.
Có thể thấy, đầu tư năng lượng tái tạo trên toàn thế giới đang là xu hướng toàn cầu và được ngày càng nhiều quốc gia quan tâm. Khi các nước đang phát triển cũng bước vào “cuộc đua” năng lượng sạch với những bước đi vững chắc, việc toàn cầu chuyển sang dùng NLTT thay cho năng lượng truyền thống là hoàn toàn khả thi và sẽ ở tương lai không xa.
* Thông tin và số liệu tham khảo từ Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Nguồn: Vũ Phong Energy Group