Đức hỗ trợ 6,9 triệu euro mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam
Ngày 12/06/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng Việt Nam và đơn vị hỗ trợ năng lượng GIZ đã ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam.
- Pin kim loại lỏng – Bước đột phá phát triển năng lượng tái tạo
- Stella Lux – xe gia đình dùng năng lượng mặt trời
Ảnh minh họa
Dự án này có giá trị 6,9 triệu euro, được triển khai đến năm 2018. Dự án thực hiện trên ba mảng lớn xây dựng khung chính sách và pháp lý để phát triển điện gió; nâng cao năng lực cho đơn vị liên quan, các công ty điện; chuyển giao công nghệ và hợp tác công nghệ với các đối tác Việt Nam.
Tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực xây dựng các chương trình phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đạt như mong muốn và kỳ vọng Chính phủ đặt ra. Do đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách hiện có để khuyến khích mạnh hơn các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng điện gió.
Thứ trưởng hy vọng sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ từ Chính phủ Đức sẽ giúp triển khai thành công và thúc đẩy phát triển năng lượng điện gió tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo bà Annette Frick, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, việc ký kết dự án này thể hiện cam kết của Chính phủ Đức trong việc đóng góp và hỗ trợ cho phát triển năng lực tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió tại Việt Nam. Dự án phù hợp với năng lực phát triển của Việt Nam.
Phía Đức có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai năng lượng điện gió, và qua dự án này sẽ có thể chuyển giao hoàn toàn công nghệ, kỹ thuật sang phía Việt Nam.
Chính phủ Đức cam kết sẽ luôn hỗ trợ phía Việt Nam, các doanh nghiệp điện vượt qua khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng tái tạo…
Theo Chương trình hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam, trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức ở các lĩnh vực môi trường, năng lượng và đào tạo nghề với tổng kinh phí hỗ trợ gần 220 triệu euro, lĩnh vực năng lượng, các dự án về năng lượng chiếm tổng mức kinh phí khoảng 160 triệu euro.
Đại sứ quán Đức và GIZ cũng mong muốn có thể phối hợp và tham gia vào hỗ trợ sâu hơn về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý với Bộ Công Thương và các đơn vị triển khai liên quan để từ đó thực hiện đàm phán với nhiều đối tác phát triển, tìm hiểu hợp tác đầu tư Việt Nam-Đức và các tổ chức tài chính quốc tế.
Xem thêm:
- Tình hình phát triển hiện nay của ngành công nghiệp năng lượng và vai trò của nó
- 5 nguồn năng lượng sạch đang được phát triển trên toàn cầu
- Đầu tư năng lượng tái tạo: Các nước đang phát triển chiếm tỷ trọng lớn
Theo Vietnam+ – BaoBacGiang