Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, chính sách giá FIT 2 liệu đã đủ?
Năm 2020, Theo Quyết định 13, những hệ thống điện mặt trời áp mái có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 sẽ hưởng mức giá 1.943VNĐ/kWh (tương đương 8,38 Uscent/kWh). Liệu chính sách giá FIT 2 này đã thực sự thu hút các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư?
- Quyết định 13 về giá điện mặt trời sắp hết hạn áp dụng, các nhà đầu tư tăng tốc để hưởng giá FIT 2
- Thủ tướng: “Tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào”
- Phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp mục tiêu 1.000MWp
Thời hạn 8 tháng với nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh
Ngày 06/4/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Ban hành kèm Quyết định này là Biểu giá điện mặt trời (giá FIT 2) dành cho dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất (nối lưới) và dự án điện mặt trời mái nhà. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020, áp dụng đến hết ngày 31/12/2020.
- Chính sách thuế nhằm bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
- Nhà nước có chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái
Theo Quyết định 13, điện mặt trời áp mái sẽ hưởng mức giá FIT 2 là 1.943VNĐ/kWh (tương đương 8,38 Uscent/kWh) với thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, giá này chỉ áp dụng cho những hệ thống có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ cho đến cuối năm nay (đến ngày 31/12/2020). Nghĩa là, nếu tính từ thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 8 tháng để người dân và doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái nếu muốn hưởng chính sách này. Còn nếu tính từ khi Quyết định 13 bắt đầu có hiệu lực, thời gian chỉ còn khoảng 7 tháng.
Giá FIT 2 cho điện mặt trời áp mái là 1.943VNĐ/kWh (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, hiện nay, do tác động của đại dịch COVID-19, cả xã hội đang vận hành chậm lại, nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn về tài chính và cần một khoảng thời gian phục hồi sau dịch bệnh. Khu vực phía Nam lại sắp bước vào mùa mưa, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công. Do đó, thời hạn đến ngày 31/12/2020 của chính sách giá FIT 2 cho điện mặt trời áp mái được các chuyên gia nhận định là quá ngắn, sẽ làm hạn chế nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư mô hình này.
Chưa có cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp nhỏ đầu tư
So với điện mặt trời lắp đặt tập trung, mô hình điện mặt trời áp mái phân tán có nhiều ưu điểm hơn, như: không tốn diện tích đất, không cần đầu tư hệ thống truyền tải (do đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp), chống nóng cho công trình… Đặc biệt, điện mặt trời áp mái do có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp hơn nên thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhỏ tham gia, xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn điện. Thực tế, số lượng hệ thống điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ (<100kWp) chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong khi đó, chính sách giá FIT 2 của điện mặt trời áp mái lại áp dụng cho mọi quy mô, chưa đủ đặc biệt để thu hút người dân và doanh nghiệp nhỏ.
Hệ thống điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ (<100kWp) được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, với những vùng có điều kiện tự nhiên bất lợi hơn cho phát triển điện mặt trời (có số giờ nắng và độ bức xạ thấp hơn) như khu vực miền Bắc, khi áp dụng chung chính sách giá FIT 2, người đầu tư tất nhiên sẽ phải đắn đo, cân nhắc nhiều.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị về chính sách giá FIT 2 để phát triển điện mặt trời
Mới đây, trong một buổi tọa đàm trực tuyến xung quanh Chính sách giá FIT 2, các chuyên gia, đại biểu đại diện cho các Quỹ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp thi công – xây lắp và cung cấp dịch vụ điện mặt trời… đã thảo luận về những ưu, khuyết điểm của Chính sách và thống nhất đề xuất Chính phủ nên gia hạn thời gian thực hiện FIT 2. Các đại biểu cũng cho rằng cơ quan chức năng nên ban hành thông tư, hướng dẫn thực hiện và cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững, minh bạch để tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
- Kinh tế tuần hoàn là gì? Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
- Dịch vụ thi công, quản lý tài sản nhà máy điện mặt trời
Đồng quan điểm với các vị đại biểu về việc gia hạn chính sách giá FIT 2, tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Nam Phong – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong (Vũ Phong Energy Group) – đề xuất “nên gia hạn chính sách giá FIT 2 tối thiểu đến cuối năm 2021 để người dân và doanh nghiệp có cơ hội kịp đầu tư điện mặt trời mái nhà”.
Bên cạnh đó, để cơ chế phát triển điện mặt trời thực sự thu hút người dân và các doanh nghiệp, ông Phạm Nam Phong kiến nghị nên có FIT 3 theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán. Với những vùng có bức xạ thấp như miền Bắc, nên có chính sách giá cao hơn. Ngoài ra, nên có cơ chế ưu tiên dành riêng cho các dự án hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ (<100kWp).
Như vậy, người dân và doanh nghiệp nhỏ sẽ có nhiều “động lực” tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà, góp phần phát triển điện mặt trời áp mái đúng theo chủ trương của Bộ Chính trị (thể hiện trong Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Vũ Phong Energy Group