Toạ đàm mục tiêu hướng tới 100% năng lượng tái tạo (NLTT) và Net Zero tại Việt Nam
Với mục tiêu hướng tới 100% năng lượng tái tạo (NLTT) và Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đang cần có những chính sách và hành động thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng bền vững. Để đóng góp vào quá trình này, Dự án “Đối tác Đa bên hướng tới 100% NLTT góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” (Dự án 100% RE MAP) đã tổ chức Tọa đàm “Trao đổi về lộ trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới 100% NLTT và Net Zero của Việt Nam” vào ngày 29/8/2023. Tại đây, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành năng lượng đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị cho lộ trình 100% NLTT của Việt Nam.
- Cơ hội và thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo tại TP.HCM
- Lợi ích khi doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững là gì?
- Chiến lược phát triển bền vững – lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Mục tiêu hướng tới 100% NLTT
Tọa đàm có sự tham gia của ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực NLTT tại Việt Nam. Ông Phạm Đăng An đã chia sẻ về những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như những giải pháp và kinh nghiệm của Vũ Phong Energy Group trong việc triển khai các dự án NLTT.
Dự án 100% RE MAP là dự án do Chính phủ Đức tài trợ, được triển khai đồng thời tại Việt Nam, Uganda và Nepal. Dự án nhằm giới thiệu, kết nối các đối tác đa bên với mục tiêu hướng tới 100% NLTT. Dự án tại Việt Nam đã hoàn thành hai báo cáo quan trọng là Báo cáo kịch bản “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% NLTT vào năm 2050” và Báo cáo “Khuyến nghị chính sách thúc đẩy lộ trình chuyển dịch 100% NLTT vào năm 2050 tại Việt Nam”. Các báo cáo này đã được công bố và trao đổi rộng rãi với các bên liên quan trong ngành năng lượng.
Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp
Tọa đàm là sự kiện quan trọng để cập nhật các thông tin mới nhất về ngành năng lượng, bao gồm các chính sách của Nhà nước, các xu hướng thế giới và các nghiên cứu khoa học của Dự án Năng lượng Thông minh cho Việt Nam. Dự án này là kết quả của sự hợp tác giữa VCCI-HCM, VBCSD và WWF Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng dụng các giải pháp năng lượng thông minh cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Tọa đàm cũng là nền tảng để các bên liên quan có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các gợi ý chính sách nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng sang 100% NLTT tại Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần vào việc thực hiện cam kết Phát thải ròng về “0” của Việt Nam vào năm 2050 mà còn giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI – phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm
Tại Tọa đàm, Báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% NLTT vào năm 2050” đã trình bày 3 kịch bản khả thi cho ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, gồm: Kịch bản phát triển thông thường (BAU), kịch bản 80% NLTT (80RE) và kịch bản 100% NLTT (100RE). Theo dự báo, nhu cầu năng lượng sẽ tăng từ 65 lên 244 triệu tấn dầu tương đương (MMTOE) vào năm 2050 theo kịch bản BAU; 229 MMTOE trong kịch bản 80RE và 223 MMTOE trong kịch bản 100RE.
Điểm nổi bật của kịch bản 100RE là mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn 8% so với kịch bản BAU nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong các ngành tiêu thụ. Trong kịch bản này, NLTT được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực thông qua việc điện khí hóa và chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo. Trong hệ thống điện, than và khí đốt được thay thế hoàn toàn bởi các nguồn tái tạo như điện mặt trời và điện gió, được hỗ trợ bởi các hệ thống pin lưu trữ có dung lượng lớn. Lưới điện được nâng cấp và mở rộng để có khả năng truyền tải cao hơn tới 8 lần so với trong kịch bản BAU.
Báo cáo cũng cho thấy rằng tổng yêu cầu đầu tư năng lượng cho toàn nền kinh tế là cao nhất trong kịch bản BAU với 5.133 tỷ USD, trong khi đó kịch bản 80RE chỉ cần 3.817 tỷ USD (giảm 26% so với kịch bản BAU), và kịch bản 100RE cũng chỉ cần 4.089 tỷ USD (giảm 20% so với kịch bản BAU).
Dựa trên những phân tích trên, báo cáo đã đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy và hòa nhập NLTT vào hệ thống điện, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các giải pháp về NLTT và tăng cường khả năng vận hành linh hoạt các nguồn điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, khuyến khích áp dụng xe điện và các loại hình vận tải chạy bằng nhiên liệu tái tạo.
Hướng tới 100% NLTT, cần tạo cơ chế ưu đãi để áp dụng các giải pháp về NLTT và tăng cường khả năng vận hành linh hoạt các nguồn điện (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, để Việt Nam đạt được mục tiêu 100% NLTT, cần thực hiện hai chiến lược chính: điện khí hóa kết hợp nâng cao hiệu quả năng lượng và NLTT kết hợp lưu trữ năng lượng. Ông cũng đề xuất một số chính sách quan trọng trong quy hoạch ngành năng lượng, như tích hợp nguồn NLTT, mở rộng lưới điện, đầu tư điện gió ngoài khơi, tích hợp việc lưu trữ năng lượng vào hệ thống điện… Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị cải thiện cơ cấu thể chế, định giá và hợp đồng năng lượng, tiếp cận năng lượng và năng lượng phân tán… Trong giai đoạn đến năm 2030, ông khuyến nghị bốn điểm cụ thể: Tích hợp phát triển NLTT vào ngành điện; Điện khí hóa ngành giao thông vận tải; Phát triển điện gió ngoài khơi; và Tích hợp các mục tiêu biến đổi khí hậu với mục tiêu NDC của Việt Nam.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án CASE, đã chia sẻ về xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, đặc biệt là mục tiêu NLTT trong công suất phát điện tại một số quốc gia như Đức (100% điện NLTT vào năm 2035), Thụy Điển (100% điện NLTT vào năm 2045)… Theo bà Vũ Chi Mai, 100% RE mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế nhưng cũng gặp phải nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, hạ tầng lưới điện, khung chính sách, quỹ đất…
Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành năng lượng, gồm: PGS.TS. Phạm Hoàng Lương; ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội điện gió, điện mặt trời Bình Thuận; ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group; bà Bùi Mỹ Trang – Quản lý Chương trình Năng lượng, Ngân hàng HSBC và ông Nguyễn Thành Trung – Quản lý dự án MAP, WWF Việt Nam. Điều phối phiên tọa đàm là TS. Nguyễn Đức Tuyên – Giám đốc Chương trình đào tạo Hệ thống điện và năng lượng tái tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group – chia sẻ tại Phiên tọa đàm
Một cuộc trao đổi quan điểm đã diễn ra giữa các diễn giả về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng; vai trò của các doanh nghiệp trong lộ trình mục tiêu 100% NLTT và Net Zero; các vấn đề chính sách, công nghệ, tài chính để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành NLTT cũng như doanh nghiệp sử dụng NLTT có thể phát triển và phát huy tối đa tiềm năng từ các nguồn năng lượng này. Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp về xu hướng sử dụng NLTT nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, thực hành ESG theo xu thế chung của toàn cầu. Theo ông Phạm Đăng An, phương án mua bán điện PPA (Power Purchase Agreement) với sự tham gia của các đơn vị đầu tư là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp vì không cần bỏ vốn đầu tư và vận hành hệ thống, được sử dụng điện mặt trời với giá rẻ hơn và sẽ được chuyển giao hệ thống miễn phí sau hợp đồng.
Ông Phạm Đăng An cho biết, trên thế giới có 929/2000 công ty đại chúng lớn nhất theo Forbes Global 2000 đã cam kết Net Zero (theo Net Zero Tracker); bên cạnh đó, RE100 – sáng kiến kêu gọi các doanh nghiệp lớn dùng 100% điện từ NLTT – cũng đã thu hút hơn 400 thành viên, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong nhiều ngành nghề. EU – một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đã thông qua đạo luật CBAM để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vương quốc Anh cũng đang xem xét một cơ chế tương tự. Trước đó, Hoa Kỳ đã ra mắt đạo luật Cạnh tranh sạch và thông qua IRA để hướng tới nền kinh tế không phát thải vào năm 2050.
Đây là xu hướng chung của thế giới, cũng là vấn đề cần quan tâm của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam. Trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp phải giảm phát thải theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon và việc mua bán I-REC sẽ khuyến khích nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tại doanh nghiệp. Trong tương lai, theo xu hướng trung hòa carbon, có thể kết hợp điện mặt trời với các giải pháp lưu trữ năng lượng, xe điện, thu giữ carbon…
Các doanh nghiệp sản xuất được khuyến khích dùng NLTT không chỉ có ý nghĩa cho chính doanh nghiệp để tuân thủ ESG, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế mà còn góp phần quan trọng cho lộ trình 100% NLTT của Việt Nam – ông Phạm Đăng An chia sẻ. Là nhà phát triển điện mặt trời chuyên nghiệp, doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, Vũ Phong Energy Group đang đồng hành với nhiều doanh nghiệp trong hành trình xanh hóa sản xuất, phát triển bền vững, giảm phát thải và hướng tới trung hòa carbon, trong đó có những doanh nghiệp lớn đầu ngành như Vinamilk, Kềm Nghĩa, Duy Tân, Sợi Đà Lạt – DWS… Doanh nghiệp quan tâm đến các giải pháp năng lượng sạch vui lòng liên hệ Tổng đài 1800 7171 hoặc +84 9 1800 7171 hoặc qua email hello@vuphong.com để Vũ Phong Energy Group hỗ trợ nhanh nhất! |