Năng lượng tái tạo – một trụ cột phát triển kinh tế xã hội của Bạc Liêu
Năm 2020, Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí được Bạc Liêu xác định là trụ cột thứ 2 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
- Đầu tư năng lượng tái tạo: Các nước đang phát triển chiếm tỷ trọng lớn
- Phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than
- Vì sao than đá và các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần bị hạn chế?
Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển năng lượng sạch
Là tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong diện tích tự nhiên 2.669 km2, Bạc Liêu có bờ biển dài 56km với bãi bồi rộng và tương đối bằng phẳng. Vùng ven biển Bạc Liêu có gió mạnh và khá ổn định, tốc độ gió bình quân là 7m/s.
Đây cũng là tỉnh hầu như quanh năm có nắng, tổng số giờ nắng trong năm khoảng 2.200-2.700 giờ, cường độ bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày. Bạc Liêu lại rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sóng thần, động đất, địa hình nhìn chung bằng phẳng. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Cánh đồng điện gió ở Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh internet)
Để khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi này, Bạc Liêu đã xác định năng lượng tái tạo cùng điện khí là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước.
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn liền tăng trưởng xanh, bền vững, Bạc Liêu xem năng lượng sạch là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển hàng đầu, đồng thời tạo nhiều điều kiện để “xanh hóa” con đường phát triển của tỉnh.
Điểm đến của nhiều dự án năng lượng tái tạo và điện khí
Thời gian vừa qua, Bạc Liêu đã thu hút nhiều dòng vốn cho các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án năng lượng tái tạo, với tổng số vốn đầu tư hơn 14,5 nghìn tỉ đồng và hơn 4,4 tỉ USD.
Có thể kể đến một số dự án như Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (tổng công suất 99,2MW), Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (50MW), Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (50MW)… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 17 dự án điện gió khác với tổng công suất 3.000MW đang trình bổ sung quy hoạch.
Ở lĩnh vực điện mặt trời, thời gian qua, các đơn vị, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tích cực tuyên truyền và triển khai các chương trình nhằm phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 4/2020, tại Bạc Liêu đã có 267 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 3.091 kWp.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng có chủ trương hợp tác triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở, cơ quan hành chính trên địa bàn. Đến nay, đã có 1 nhà đầu tư đề xuất lắp đặt hệ thống trên mái của 9 tòa nhà công sở, tổng công suất dự kiến gần 2.600 kWp.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của một hộ gia đình tại Bạc Liêu do Vũ Phong Energy Group thi công
Ngoài năng lượng tái tạo, Bạc Liêu còn là điểm đến của các dự án điện khí, trong đó nổi bật nhất là Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô công suất 3.200MW, tổng số vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: “Các dự án điện năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phát triển Bạc Liêu theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” (Trích từ Báo Bạc Liêu).
Chính vì vậy, Bạc Liêu đang ngày càng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, minh bạch, đồng thời thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Nhờ những nỗ lực đó, Bạc Liêu đang là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trên con đường trở thành “thủ phủ sản xuất điện gió” và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đất “Chín Rồng” cũng như tại Việt Nam.
5 Trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu:
Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo, xây dựng nông thôn mới.
Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao.
Tăng cường phát triển kinh tế biển gắn liền nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Vu Phong