Phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công
Nhiều tỉnh, thành đã có các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Trong đó, lắp đặt điện mặt trời tại các trụ sở công là một phần của chính sách.
- 6 ưu điểm nổi bật khi phát triển điện mặt trời áp mái
- Thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà gia đình, văn phòng, nhà xưởng
- Nhà nước có chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái
- Phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp mục tiêu 1.000MWp
Đà Nẵng: 80-90% trụ sở công lắp đặt điện mặt trời áp mái
Mới đây, Thành ủy TP. Đà Nẵng đã ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu cụ thể của TP. Đà Nẵng về tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn là năm 2030 sẽ đạt khoảng 5% trong tổng cung năng lượng sơ cấp, đạt 7% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà: phát triển trên 80-90% các trụ sở công (trường học, bệnh viện, chợ, khách sạn…) trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025. Ngoài điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công, TP. Đà Nẵng còn khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt nước, cho phép nghiên cứu điện mặt trời trên mặt đất nếu khả thi.
Tại Đà Nẵng, theo số liệu tính đến hết 30/4/2020, đã có 1.146 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt 10.363 kWp, sản lượng điện phát lên lưới là hơn 1,7 triệu kWh. Trong đó có 17 khách hàng lắp đặt công suất lớn từ 50 kWp, cho tổng công suất hơn 3.000 kWp.
Hệ thống điện mặt trời vừa cung cấp điện để sử dụng vừa có thể bán cho ngành điện giúp tăng doanh thu
Đồng Tháp: lựa chọn 10 cơ quan nhà nước thí điểm lắp đặt điện mặt trời mái nhà
Đầu năm nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện và Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và xác định khu vực có khả năng phát triển điện năng lượng mặt trời sao cho phù hợp với quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, có cơ chế khuyến khích lắp điện mặt trời áp mái ở các trụ sở cơ quan công lập, công trình thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, tỉnh này sẽ lựa chọn khoảng 10 cơ quan nhà nước để thí điểm lắp điện mặt trời, mỗi công trình có công suất khoảng 10kWp. Từ những tiền đề này sẽ đánh giá để triển khai thực hiện đến năm 2025 và 5 năm tiếp theo.
Bình Thuận: Nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà, công xưởng, trụ sở hành chính
Theo Công văn số 651/UBND-KT do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành năm 2019, Sở Công thương tỉnh được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành, Công ty Điện lực Quảng Bình và các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân hưởng ứng đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở ban ngành nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân, các dự án lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà của các tòa nhà, công xưởng, trụ sở hành chính.
Điện mặt trời lắp trên mái nhà rộng 300 m2 của khu vực tiếp dân, trụ sở UBND quận 12, TP.HCM (Ảnh internet)
Tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã thông qua Sở Công thương kiến nghị UBND Thành phố có các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, trong đó có cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn Thành phố (như các cơ quan, trường học, bệnh viện, các doanh nghiệp nhà nước) tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Ngành điện cũng đề xuất đưa việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xây dựng các tòa nhà có mái lớn, như các chung cư, khách sạn, trụ sở, trung tâm thương mại…
Tại TP.HCM, tiềm năng lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các đơn vị hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông) là 153,95 MWp.