Thị trường carbon tăng trưởng trong xu thế hướng tới Net Zero
Năm 2021 được ghi nhận là năm thứ 5 tăng trưởng liên tiếp của thị trường carbon toàn cầu, đẩy tổng giá trị thị trường tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020. Đà tăng trưởng của thị trường carbon được dự báo sẽ tiếp diễn, ở cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, trong xu thế các chính phủ cũng như các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp cho mục tiêu Net Zero.
- Thị trường tín chỉ carbon: Những điều có thể bạn chưa biết
- Vũ Phong cùng các khách hàng, đối tác chung tay đầu tư vào hành tinh của chúng ta
- Các nguyên tắc và tiêu chí đánh giá phát triển bền vững
Thị trường carbon đạt 851 tỷ USD năm 2021
Thông tin từ công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), tổng giá trị thị trường carbon toàn cầu năm 2021 đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 760 tỷ euro (851 tỷ USD), từ 288 tỷ euro vào năm 2020, đạt tỷ lệ tăng trưởng 164%. Tăng trưởng phần lớn đến từ Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS) – thị trường mua bán phát thải đầu tiên, lớn nhất và thành công nhất trên thế giới. Nó chiếm 90% tổng giá trị thị trường toàn cầu, với 683 tỷ euro.
Năm 2021 được ghi nhận là năm thứ 5 tăng trưởng liên tiếp của thị trường mua bán phát thải. Đặc biệt, thị trường carbon tự nguyện (VCM) – vốn được biết đến là thị trường mới, có quy mô rất nhỏ so với thị trường bắt buộc (CCM) – cũng đã gây chú ý với các giao dịch kỷ lục và giá tín chỉ tăng vọt, giúp nâng tổng giá trị thị trường đạt hơn 1 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Thị trường carbon toàn cầu giai đoạn 2018-2021 (Nguồn: Refinitiv)
Tăng trưởng kỷ lục của thị trường carbon trong năm qua đến từ sự gia tăng của cả số lượng giao dịch và giá các tín chỉ. Kết thúc năm 2021, giá tín chỉ phát thải tại EU-ETS ở mức hơn 80 euro/tấn, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nhà đầu tư tăng mạnh và EU siết chặt các chính sách về khí hậu cho mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030.
Xu hướng trong lộ trình thực hiện Net Zero
Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon và cơ bản hoàn thiện Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris, bao gồm Điều 6 trực tiếp liên quan đến thị trường carbon.
Đã có 136 quốc gia (bao gồm Việt Nam) – tương đương tổng lượng phát thải khí nhà kính gần 88% và đóng góp khoảng 90% GDP toàn cầu – cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ tại COP26. Trong khi đó, ít nhất 1/5 trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới với tổng doanh thu gần 14 nghìn tỷ USD cam kết đạt được Net Zero vào giữa thế kỷ hoặc sớm hơn thông qua nhiều sáng kiến khác nhau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26 (Ảnh: TTXVN)
Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn, thời tiết cực đoan và không hành động về khí hậu là các rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn và trung hạn, ngày càng nhiều nhà đầu tư đã điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, gia tăng các khoản đầu tư giảm phát thải.
Dữ liệu cuộc khảo sát mới đây của Nhóm Nhà đầu tư châu Á vì mục tiêu khí hậu (AIGCC) cho thấy, “trong khi các cam kết phát thải ròng bằng 0 đã trở thành mục tiêu kỳ vọng, các mục tiêu tạm thời đang nổi lên như là một thành phần quan trọng đối với các cam kết phát thải ròng bằng 0, nhằm minh chứng rằng các cam kết này thực sự phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
40% số người được khảo sát đã đưa ra các cam kết trên nhiều lĩnh vực trong danh mục đầu tư, trong khi năm trước không có cam kết nào được đưa ra”. 65% số nhà đầu tư tham gia khảo sát đã hoặc bắt đầu đo lượng phát thải cụ thể đối với danh mục đầu tư của họ, nhằm tính toán lượng khí thải giảm được và tác động đến khí hậu thực tế. Tỷ lệ này vào năm 2020 là 44%. Và tất nhiên, điều đó sẽ tác động đến kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu.
Khi các chính phủ và các doanh nghiệp nỗ lực cho mục tiêu giảm phát thải và Net Zero, thị trường carbon được dự đoán sẽ càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhiều công ty sử dụng thị trường carbon tự nguyện để bù đắp lượng khí thải, song song với các giải pháp trực tiếp tự cắt giảm khí thải như sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi các loại nhiên liệu thay thế…
Quy mô thị trường carbon tự nguyện được dự báo có thể lên đến 50 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Coherent Market Insights, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu được dự báo sẽ đạt 2.407,8 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 30,7% trong giai đoạn 2020-2027.
Năm 2021, Vũ Phong Energy Group, Công ty CP Xây dựng 47 (HOSE: C47) và Công ty INTRACO đã ký kết ghi nhớ hợp tác trong “Chương trình cung cấp các trạm nước uống hợp vệ sinh và các chương trình giảm phát thải khí nhà kính khác”. Hợp tác hướng tới thành lập một liên doanh để sản xuất, xây dựng, lắp đặt và vận hành các trạm lọc nước cung cấp nước uống an toàn và hợp vệ sinh nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Sau đó, dự án có thể mở rộng sang lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái dưới biển.
Bên cạnh các lợi ích cho cộng đồng và góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhất là các Mục tiêu về tài nguyên nước – an ninh nguồn nước, chương trình sẽ mang lại doanh thu từ tín chỉ carbon nhờ tạo nên các dự án theo Cơ chế phát triển bền vững (SDM). Đây là hợp tác đầu tiên đánh dấu việc Vũ Phong Energy Group tham gia thị trường carbon. |
Nguồn số liệu: Refinitiv, Ecosystem Marketplace, AIGCC, Mckinsey, Coherent Market Insights
Nguồn: Vuphong.vn