Muốn tiết kiệm điện, phải tránh ngay 5 sai lầm thường gặp này
Những sai lầm khi sử dụng máy điều hòa, bình nóng lạnh, lò vi sóng và các thiết bị điện gia dụng khác có thể khiến mọi công sức tiết kiệm điện của bạn trở thành vô ích.
- Ngói năng lượng mặt trời của Tesla – vật liệu xanh giúp tiết kiệm điện năng
- 10 công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng nhất thế giới
- Trời thì nắng, không có điện phải làm sao?
Khu vực phía Nam đã bước vào cao điểm mùa nắng trong khi phía Bắc đang chuyển sang hè. Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng, nhiều gia đình phải nhận hóa đơn điện tăng cao chóng mặt.
Tiết kiệm điện bằng cách giảm thói quen sai lầm
Nhưng bạn có biết, kể cả khi đã tiết kiệm điện bằng cách giảm sử dụng các thiết bị, hóa đơn điện của bạn vẫn có thể cao? “Thủ phạm” chính là những thói quen sai lầm dưới đây khi sử dụng các thiết bị điện:
Tắt – mở máy điều hòa liên tục
Trong các tháng cao điểm nắng nóng, điện cho máy điều hòa thường chiếm 1/3 (thậm chí có thể hơn) lượng điện tiêu thụ của cả gia đình. Để tiết kiệm điện, nhiều người có thói quen tắt máy lạnh khi phòng đủ lạnh, đến khi nhiệt độ phòng tăng lên thì mở lại.
Tuy nhiên, đây là một thói quen sai lầm vì theo lý giải của các kỹ sư điện máy, mỗi lần mở máy điều hòa, máy nén và động cơ quạt sẽ phải khởi động lại rồi làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt.
Do đó, việc tắt-mở điều hòa liên tục sẽ khiến tiêu tốn lượng điện năng cao gấp 3 lần so với mức năng lượng cần để duy trì độ lạnh của phòng. Như thế, bạn không những không thể tiết kiệm điện mà còn lãng phí điện năng.
Không nên tắt mở điều hòa liên tục để tránh lãng phí điện và gây hại sức khỏe (Ảnh minh họa internet)
Ngoài ra, nhiệt độ thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Người dùng sẽ tăng nguy cơ bị sốc nhiệt hoặc gặp phải các vấn đề về sức khỏe như đau đầu, mệt mỏi, mắc các bệnh lý đường hô hấp…
Tốt nhất, bạn hãy duy trì nhiệt độ máy lạnh ở mức 26-27 độ và dùng thêm quạt để hơi lạnh tỏa khắp phòng. Khi mở điều hòa, bạn nên đóng tất cả các cửa và kéo rèm che để ngăn ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng làm nhiệt độ trong phòng tăng lên.
Không ngắt nguồn điện máy điều hòa, tivi
Nếu muốn tiết kiệm điện, chỉ tắt máy điều hòa bằng điều khiển từ xa khi không sử dụng là chưa đủ. Bởi vì nếu không tắt nguồn máy (aptomat), máy điều hòa vẫn sẽ tiêu thụ điện ngầm và gây lãng phí điện. Điều này cũng đúng cả với tivi và các thiết bị đầu thu truyền hình, đầu thu internet, đầu thu DVD…
- Giảm tiền điện mỗi tháng nhờ lắp điện mặt trời lên tới tiền triệu
- Nên chọn lắp điện mặt trời nào? hòa lưới hay hòa lưới có dự trữ?
Vì thế, bạn hãy tạo thói quen tắt các nguồn điện điều hòa, tivi… khi không sử dụng thời gian dài. Ngoài ra, hãy nhớ vệ sinh máy điều hòa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc thường xuyên hơn nếu khu vực nhà bạn có nhiều bụi.
Luôn cắm điện nguồn, sạc máy tính
Cắm điện nguồn máy tính để bàn và sạc laptop 24/24 giờ là thói quen của rất nhiều người. Thói quen sai lầm này sẽ khiến máy tính, laptop của bạn tiêu tốn điện. Thậm chí, việc cắm sạc và để latop ở chế độ chờ còn tiêu tốn điện hơn cả so với khi máy làm việc bình thường. Do đó, để tiết kiệm điện, bạn hãy bỏ ngay thói quen này và nhớ tắt hẳn máy tính, rút phích cắm khỏi nguồn điện khi không sử dụng. Với laptop, bạn chỉ nên cắm sạc khi máy hết pin.
Chỉ nên cắm sạc khi laptop hết pin để tiết kiệm điện (Ảnh minh họa internet)
Luôn cắm điện các thiết bị gia dụng có chế độ hẹn giờ
Những thiết bị trong nhà bếp như lò vi sóng, lò nướng, nồi cơm điện… thường có chế độ hẹn giờ, rất tiện lợi cho các bà nội trợ. Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì thế nên nhiều bà nội trợ lại chủ quan, không rút phích cắm điện khi không sử dụng để sẵn mở lại vào hôm sau.
Điều này có thể gây lãng phí điện vì ngay cả khi hết thời gian cài đặt, chúng cũng không ngắt điện hoàn toàn, vẫn tiêu hao lượng điện khá lớn. Muốn tiết kiệm điện hiệu quả, bạn hãy chú ý điều tưởng như nhỏ nhặt này.
Bật bình nóng lạnh cả ngày
Bình nước nóng lạnh không chỉ được “ưu ái” vào mùa đông bởi vì nhiều người có thói quen tắm nước nóng ngay cả trong mùa hè. Không ít gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để sẵn sử dụng khi cần. Tuy nhiên, khi đến nhiệt độ nhất định, rơ-le nhiệt của bình sẽ tự ngắt, nước sẽ nguội từ từ.
Sau đó, bình sẽ đóng điện trở lại để làm nóng nước. Khi bạn không sử dụng mà không tắt bình, quá trình này sẽ lặp đi lặp lại liên tục gây tốn điện. Do đó, bạn chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi sử dụng từ 30-45 phút và hãy ngắt hẳn điện trước khi tắm để vừa tiết kiệm điện vừa an toàn cho bản thân.
Để tiết kiệm tiền điện hiệu quả và tránh tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng, bạn hãy tham khảo bài viết sau: Giải Pháp Giảm Tiền Điện Mùa Nóng
Vũ Phong Energy Group