Vì sao doanh nghiệp nên lắp đặt điện mặt trời áp mái?
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lắp đặt điện mặt trời vì các lợi ích như giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí năng lượng…
Giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường
Sử dụng nguồn điện mặt trời sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp dùng điện từ năng lượng mặt trời để phục vụ quá trình sản xuất sẽ giảm sử dụng lưới điện quốc gia. Nhờ đó, lượng khí thải như CO2 từ các nhà máy sản xuất điện được giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, 1MW điện mặt trời áp mái được lắp đặt có thể giảm hơn 1.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc trồng hơn 17.000 cây xanh.
Giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp
Doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời có thể giảm được chi phí tiền điện hàng tháng. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng điện nhiều vào ban ngày, đây cũng là khoảng thời gian các hệ thống điện mặt trời cho sản lượng cao. Các tấm pin mặt trời khi được lắp trên mái nhà xưởng, văn phòng còn giúp hấp thụ năng lượng mặt trời và phản xạ lượng nhiệt ra bên ngoài, giúp giảm được 2 – 10 độ C cho không gian bên dưới mái nhà. Như vậy, hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần chống nóng cho các nhà xưởng, giảm tiêu thụ điện cho các thiết bị làm mát.
Tối ưu chi phí điện năng là “bài toán” với rất nhiều doanh nghiệp (Ảnh minh họa: internet)
Xu thế chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được xem là xu thế toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới, nhất là các công ty đa quốc gia, đã tiên phong sử dụng năng lượng tái tạo. Có thể thấy rõ điều này qua danh sách các công ty tham gia RE100 tăng hàng năm. RE100 là sáng kiến toàn cầu được khởi xướng bởi tổ chức phi lợi nhuận quốc tế The Climate Group cùng tổ chức CDP nhằm kêu gọi các công ty trong danh sách Global Fortune 500 cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Danh sách thành viên hiện có là hơn 380 doanh nghiệp, trải rộng khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương… trong đó có các “ông lớn” như Apple, Google, Microsoft, Dell Technologies, Intel, Mitsubishi Estate, BMW Group, Johnson & Johnson, Nike, Pepsico, Unilever…
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển đổi sản xuất sang hướng “xanh hóa”, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho nhà xưởng. Dẫn đầu trong thị trường sữa Việt Nam, Vinamilk đã tiên phong chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo khá sớm, hiện hệ thống điện mặt trời đã được lắp đặt tại tất cả các trang trại bò sữa và các nhà máy chế biến sữa. Hay công ty Kim Đức, doanh nghiệp sản xuất túi tái sử dụng hàng đầu tại Việt Nam đã triển khai dự án điện mặt trời hòa lưới 2,28 MWp do Vũ Phong Energy Group thi công lắp đặt. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã tiên phong sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Golden Victory Việt Nam đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 2.9 MWp cho nhà máy sản xuất giày của mình.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy Mega Factory của Vinamilk
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành nhựa – Nhựa Duy Tân – cũng ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, bằng việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 2.17 MWp trên nhà máy tại Bình Dương. Lễ ký kết hợp tác phát triển hệ thống đã diễn ra tháng 12/2022, trong đó Vũ Phong Energy Group là đơn vị phát triển dự án và cung cấp dịch vụ Tổng thầu (EPC).
Nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Theo các chuyên gia, chuyển đổi năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Chẳng hạn như, tại thị trường châu Âu, tháng 12/2022, Liên minh châu Âu đã thông báo thực hiện đánh thuế carbon lên tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon của châu Âu ở thời điểm đó. Thực hiện các giải pháp giảm khí thải, bao gồm sử dụng năng lượng sạch, sẽ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro phát sinh thêm chi phí thuế này – điều có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại một trong những thị trường lớn và “khó tính” nhất trên thế giới.
Xanh hóa quá trình sản xuất vì vậy được coi là giải pháp gần như bắt buộc của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn thâm nhập các thị trường quốc tế. Lắp đặt điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có được các chứng chỉ xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thách thức nào doanh nghiệp có thể gặp khi lắp đặt điện mặt trời?
Việc lắp đặt điện mặt trời, sử dụng năng lượng sạch mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng thường đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao. Đây là thách thức với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc đang cần ưu tiên tập trung nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, với mô hình hợp tác linh hoạt PPA (Power Purchase Agreement), các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng năng lượng sạch mà không phải chịu áp lực về chi phí đầu tư ban đầu. Với mô hình này, hệ thống điện mặt trời sẽ được các quỹ đầu tư phát triển, doanh nghiệp chỉ cần sử dụng phần mái nhà xưởng đang nhàn rỗi.
Đây là giải pháp xanh hóa được Vũ Phong Energy Group tiên phong triển khai tại Việt Nam. Ở mô hình hợp tác linh hoạt này, Vũ Phong và các đối tác là các quỹ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về việc lắp đặt cũng như vận hành bảo dưỡng (O&M) hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất sẽ được mua điện hoặc thuê hệ thống lâu dài với chi phí hợp lý. Sau khi kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp sẽ được chuyển giao miễn phí toàn bộ hệ thống với hiệu suất hoạt động trên 80-90% tùy điều kiện.
Solar Power