Doanh nghiệp ngành dệt may nỗ lực chuyển đổi để thích ứng
Sau 9 tháng thuận lợi với tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 20% – tốc độ cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức trong Quý IV/2022, thậm chí có thể trong cả nửa đầu năm 2023. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực chuyển đổi để thích ứng, vượt qua thách thức…
Áp lực từ lạm phát, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và “xanh hóa”
9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 – tốc độ cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt thách thức không nhỏ. Áp lực lạm phát khiến người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU… cắt giảm chi tiêu, trong khi đó các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19 khiến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Theo một báo cáo về ngành dệt may được VNDirect Research công bố gần đây, do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát, các khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Tại nhiều doanh nghiệp dệt may lớn, các đơn đặt hàng trong Quý IV đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.
Áp lực lạm phát khiến người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU… cắt giảm chi tiêu, tác động lớn đến các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam
Yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi cùng yêu cầu về “xanh hóa” từ các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần vượt qua. Các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may hiện mới đạt khoảng 57% và Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.
“Xanh hóa” chuỗi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là yêu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu không muốn bị đẩy lại phía sau. Mới đây, EU đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với các nhóm sản phẩm khác nhau tiêu thụ tại 27 nước thành viên, trong đó dệt may thuộc nhóm đầu tiên phải tuân theo, ngành da giày ở giai đoạn sau. Theo quy định này, hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được… Thị trường Bắc Âu cũng có các quy định về nhãn sinh thái với yêu cầu về tái chế, nguyên liệu hữu cơ, độ bền và chất lượng sản phẩm… Nhãn sinh thái cũng yêu cầu thực hiện các Kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT), trong đó phải có tài liệu chứng minh rằng các cơ sở sản xuất đã thực hiện tối thiểu các kỹ thuật hoặc sáng kiến sử dụng nước và năng lượng hiệu quả BAT hoặc tự sản xuất năng lượng mặt trời…
Chuyển đổi để thích ứng với xu hướng mới
Nhận định từ nhiều chuyên gia trong ngành dệt may, trước các thách thức từ thị trường, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng các yêu cầu mới, vượt qua thách thức và giữ đà tăng trưởng. Song song với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bên cạnh các thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa.
Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ nhằm giảm lượng nước thải sau nhuộm, tái sử dụng nước thải sau xử lý, đầu tư hoặc hợp tác với các đơn vị phát triển điện mặt trời tại các nhà máy để tăng tỷ lệ sử dụng điện năng lượng tái tạo. Có doanh nghiệp còn tập trung xây dựng bộ phận quản lý nguyên liệu độc lập, thiết lập tiêu chuẩn riêng biệt cho từng loại vải, tối ưu hóa marker (sơ đồ cắt bàn vải), quản lý thất thoát, phân loại và tận dụng vải vụn để tiết kiệm vải…
Các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang nỗ lực để đáp ứng yêu cầu về “xanh hóa” theo xu hướng mới. Hãng thời trang H&M đã đưa ra cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa carbon cho các nhà máy thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp vào năm 2030.
Điều này đồng nghĩa với việc, 31 nhà cung cấp của hãng tại Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon. Hãng thời trang hàng đầu thế giới Nike cũng đã công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam…
Điện mặt trời tại một nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của NIKE tại Việt Nam
Nhiều chuyên gia tin rằng, dù rằng thời điểm này nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ thích ứng được và vẫn có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là khi chủ động chuyển đổi và tận dụng tốt các FTA.
Hơn nữa, yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA buộc doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, sẽ là cơ hội cho ngành phát triển bền vững và hình thành chuỗi giá trị trong nước. Ngành dệt may hiện đang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, tăng trưởng mức 5-6%/năm, tương đương giá trị sản xuất khoảng 68 – 70 tỷ USD.
Quý Doanh nghiệp quan tâm các giải pháp năng lượng sạch để xanh hóa sản xuất, hướng tới phát triển bền vững vui lòng liên hệ Vũ Phong Energy Group qua Tổng đài 1800 7171 hoặc +84 9 1800 7171 hoặc qua email hello@vuphong.com để được hỗ trợ nhanh nhất!
Xem thêm: |
Nguồn: Vuphong.vn